Môi Trường Sống Bền Vững Cho Cây Cà Phê

Môi Trường Sống Bền Vững Cho Cây Cà Phê

Để một sinh vật phát triển khoẻ mạnh và ổn định, chúng cần được ở trong một môi trường lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và an toàn. Vậy thì, cây cà phê hiện nay đang được canh tác phần lớn bởi con người để đảm bảo năng suất hơn các giống cà phê mọc dại trong rừng. Hãy tìm hiểu xem, chúng đang được chăm sóc và canh tác trong môi trường như thế nào?

Tương lai của ngành công nghiệp cà phê gắn liền với một môi trường lành mạnh. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra mối đe doạ đối với đất đai của người nông dân và đồng thời làm tăng nguy cơ sâu bệnh. Thời tiết cực đoan cũng có thể làm hỏng hoặc trì hoãn mùa thu hoạch. Ở mặt khác, ngành công nghiệp sản xuất cà phê cũng liên quan đến nhiều vấn đề ảnh hưởng xấu đến môi trường như ô nhiễm nước, suy thoái đất và làm suy giảm sự đa dạng sinh học.

1. Thiết Kế Mô Hình Sinh Thái Bền Vững Cho Cây Cà Phê

Cà phê là một giống cây trồng lâu năm, có thể thu hoạch nhiều lần trong suốt vòng đời của chúng. So sành với đậu nành hoặc mía, thì rõ ràng người nông dân không cần phải chặt bỏ toàn bộ cây cũ để trồng lại gốc mới. Điều này có thể làm lãng phí hệ sinh thái màu mỡ của đất và các sinh vật sống nhờ đất. Điểm này thì cây cà phê ăn đứt, chỉ cần chúng ta biết cách sử dụng nước và phân bón hợp lý, thì một vườn cà phê có thể tạo điều kiện cho động vật hoang dã phát triển mạnh mẽ.


Quả cà phê đang trong quá trình phát triển

2. Tác Động Của Điều Kiện Sống Đến Chất Lượng Quả Cà Phê

Cây cà phê chỉ có thể khoẻ mạnh giống hệ sinh thái mà chúng được canh tác trong đó. Khi bạn tập trung vào dất đai và môi trường sống thì chất lượng của cây cà phê cũng được cải thiện lên. Khi điều này diễn ra, quả cà phê sẽ ở lại trên cành lâu hơn, chín đều hơn và đạt năng suất cao hơn. Dù cho việc thực hiện điều này là quá khó, nhưng các trang trại ở Tây Nguyên đang nỗ lực từng bước trong việc cải thiện môi trường sống không chỉ cho cây cà phê, mà còn là nguồn sống của chính họ nữa.

3. Mô Hình Vận Hành

Thật không may là các biện pháp quản lý đất đai và quy trình sản xuất yếu kém đã phá hỏng toàn bộ hệ sinh thái: Suy thoái đất, phá rừng làm suy giảm số lượng động vật hoang dã. Tuy nhiên, có một số kỹ thuật mà các chủ trang trại có thể làm được để giảm thiểu tác động nói trên.

  • Mô hình nông lâm kết hợp

Là mô hình kết hợp giữa trồng xen kẽ cây lâu năm với các loại cây ngắn ngày, nhờ đó tạo ra một hệ sinh thái trù phú, giúp cho nhiều loài côn trùng tự nhiên có điều kiện phát triển, những loài như nhện sẽ là thiên địch tự nhiên làm kìm hãm sự bùng phát của một loại bệnh dịch bắt nguồn từ sâu bướm.


Mô hình nông lâm kết hợp - ảnh Nomafsi

  • Bảo tồn và xử lý nước

Ô nhiễm nước là một trong các vấn đề về môi trường khó khăn và gây tốn kém hàng đầu ở trang trại. Các nhà máy sử dụng máy xát vỏ và nước từ bể sơ chế cà phê không qua hệ thống xử lý mà xả thẳng ra môi trường thì đúng là thảm hoạ thật sự. Nguồn nước thải này gây ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, đất đai và các sinh vật sống trong ao hồ gần khu vực trang trại. Mặt khác, sử dụng phân bón hoá học với nồng độ cao cũng làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm và sức khoẻ của người dân địa phương.


Nông trại có nguồn nước tự nhiên bên cạnh Thác Voi

  • Kìm hãm và loại bỏ các nhân tố gây ra dịch bệnh

Sử dụng phân bón quá liều cũng gây tác hại đến môi trường và nguồn nước, tuy nhiên nếu không có phân bón, cây cà phê còn dễ tổn thương và mắc nhiều dịch bệnh hơn. Bên cạnh đó, chúng ta luôn phải đối mặt với các loại sâu hại trong tự nhiên, không có cách nào loại bỏ hoàn toàn chúng, khi một loại sâu hại cũ mất đi -loại mới sẽ được sinh ra, thậm chí còn tiến hoá ở mức cao hơn để thích nghi với thuốc và hoá chất, vì thế tốt nhất là chúng ta sẽ giữ các loại sâu bệnh ở mức độ cho phép.


Sử dụng thiên địch trong tự nhiên giúp hạn chế thuốc bảo vệ thực vật

Một số trang trại thường ưu tiên sử dụng các loại bẫy côn trùng tự nhiên, thiên địch hoặc có một lượng thuốc vừa phải. Có rất nhiều tiêu chí được đưa ra để áp dụng và khảo sát để chọn được phương án tối ưu nhất. Tất nhiên, thuốc hoá học chỉ là cách cuối cùng.

Làm như vậy, họ có thể tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và ít ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên hơn. Về lâu dài, điều này mất thời gian nhưng có lợi để môi trường hồi sinh.

  • Kiểm soát sự xói mòn

Khi nhu cầu của con người quá lớn, diện tích trồng trọt hiện tại sẽ không đủ tạo ra nguồn lương thực cung cấp cho con người, họ chọn cách phá rừng. Phá rừng là nguyên nhân số 1 gây ra xói mòn, mất đi lớp phủ bề mặt làm cho đất dễ tổn thương hơn khi có mưa lớn và lũ quét xảy ra. Mô hình nông lâm kết hợp giúp các trang trại giải quyết được vấn đề này, vừa tạo điều kiện cho sinh vật sinh sôi, vừa cải thiện chất lượng đất và chống rửa trôi.


Cỏ lạc rất có ích cho việc làm mát nền đất trồng và ngăn sự xói mòn đất

  • Đa dạng hoá nguồn động vật hoang dã

Một hệ sinh thái đa dạng hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê, ở đây điển hình là ong, các chuyên gia đưa ra rất nhiều dẫn chứng về lợi ích của quần thể ong đối với cây trồng.

Arabica có thể tự thụ phấn, chúng không cần ong để tạo quả. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hiện diện của ong trong một trang trại cà phê có thể làm tăng đáng kể năng suất so với trang trại bình thường (tăng khoảng 20%).


Mùa hoa cà phê vào tháng 3 hàng năm thu hút rất nhiều ong mật

Một lợi ích khác, là các trang trại có thể khai thác mật ong từ hoa cà phê, một cách tăng thu nhập cũng an toàn và lành mạnh.

  • Một quy trình canh tác đồng nhất

Có nhiều tập quán nông nghiệp khác nhau ở từng vùng miền mà có thể gây hại cho môi trường và cà phê cũng không là ngoại lệ. Nước thải sinh hoạt, thuốc trừ sâu hoá học, rác thải và nhiều thứ khác đang gây tác động xấu đến môi trường.

Thật may mắn là ngày càng có nhiều trang trại nỗ lực sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, có thể tái chế được nhiều lần và đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải đúng cách, tất cả những điều này sẽ ít nhất cải thiện được những vấn đề ô nhiễm hiện tại và giúp cho thế hệ mai sau.

Canh tác cà phê chất lượng cao và thể hiện sự quan tâm đến môi trường không phải là 2 mục tiêu riêng biệt, chúng phải đi cùng nhau. Đa dạng sinh học thực vật cải thiện cấu trúc và chất lượng đất, nuôi ong cải thiện sự thụ phấn và làm tăng năng suất cây trồng, mô hình nông lâm kết hợp giúp bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Bảo tồn và xử lý nước có tác động đáng kể đến cộng đồng dân cư, đồng thời đảm bảo cà phê được sản xuất với nước sạch.

Một quy trình khép kín như kiểu này sẽ là thách thức cực lớn đối với các trang trại quy mô nhỏ, tuy nhiên nếu hiểu được thế mạnh và điểm yếu của mình, thì các trang trại có thể tuỳ chỉnh mô hình sao cho phù hợp với năng lực của mình.

-----

D&D Kaffee – Nhà cung cấp cà phê rang chất lượng từ cao nguyên Lâm Đồng

Xưởng rang: Số 17 - D15A - Đường Liên Phường - Phường Phước Long B - TP Thủ Đức - HCM

HOTLINE tư vấn cà phê hợp vị: 090 678 39 76

Lựa chọn cà phê tại đây: https://ddkaffee.com/pages/cua-hang

Bài trước Bài sau